Những Điều Cần Làm Khi Học ở Đại Học
Tôi thi đại học năm 2003 và ra trường năm 2008. Sau đó một năm, tôi học thạc sĩ chương trình Eramus Mundus ở Châu Âu 2 năm, tốt nghiệp năm 2011. Tiếp theo làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ 3 năm ở Cộng Hòa Pháp. Làm tiếp 2 năm nghiên cứu ở Canada.
Ngoài chương trình học chính ở Trường, tôi cũng được đào tạo thêm về Khởi nghiệp về quản trị sự nghiệp, luật Sở hữu trí tuệ (IP laws), thăm và thực tập tại một số công ty.
Tôi quan tâm đến giáo dục cũng đã hơn 10 năm, ở Pháp cũng từng tổ chức một số Seminar về giáo dục để so sánh giáo dục của Việt Nam với các nước khác như Anh, Mỹ, Pháp, Canada và Singapore.
Sau nhiều năm trải nghiệm trên ghế nhà Trường và đi làm, tôi nhận ra nhiều sinh viên hiện nay chưa có kỹ năng học tốt ở Đại Học, đặc biệt là còn thụ động. Để học tốt ở Đại Học tân sinh viên nên chú tâm làm các việc sau:
Chọn đúng ngành. Tức là phù hợp với bản thân và có tiềm năng cho xã hội tương lai 5 năm sau. Đây là chủ đề rộng và khó nhất, tôi sẽ chia sẻ trong bài sau.
Xác định rõ mục tiêu học tập. Kiến thức và kỹ năng làm việc trong lĩnh vực mình chọn và lấy được bằng Đại Học. Để làm điều này, sinh viên nên tham khảo ý kiến các anh/chị đang hành nghề trong lĩnh vực mà mình học, hỏi họ đang làm gì và cần các kiến thức kỹ năng nào. Tiếp theo là xem các công ty mà mình dự định tìm việc sau khi ra trường – coi họ tuyển dụng ai trong lĩnh vực mình chọn và cần kỹ năng gì. Từ đó là nắm được khá tốt các mục tiêu kiến thức quan trọng phải đạt được trong quá trình học. Thông thường ở Việt Nam chỉ học chuyên ngành thực sự ở 3 kỳ cuối trong tổng số 8 đến 10 kỳ học, nên khá lãng phí thời gian. Nếu bạn tập trung ngay từ đầu sẽ thuận lợi hơn để phát triển chuyên môn.
Về bằng cấp thì không phải bàn. Đâu đó trên mạng hay diễn đàn nói không cần bằng cấp cũng thành công. Tất nhiên là đúng. Nhưng số người thành đạt mà không cần bằng cấp rất ít và họ là những cá nhân xuất sắc. Nếu bạn là người xuất sắc, vậy khả năng bạn thành đạt cũng cao giống họ. Tuy nhiên cần phải nói rõ rằng, các cá nhân xuất sắc đó tự học rất nhiều. Như ở Mỹ, một số là học sinh xuất sắc ở các trường THPT, thi đậu các trường đại học chất lượng cao – điều này đã khẳng định một phần năng lực của họ. Có bằng cấp sẽ thuận lợi hơn trong tìm việc, đặc biệt một số ngành có điều kiện như bác sĩ, luật sư, kế toán kiểm toán, kiến trúc sư – không có bằng thì không thể hành nghề. Nếu dạo qua các thông báo tuyển dụng của các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, bạn sẽ thấy đa số họ yêu cầu có bằng cấp chuyên môn. Hơn nữa, đã bỏ nhiều năm học đại học thì nên lấy bằng trừ khi bạn có một lựa chọn tốt hơn nó. Theo thống kê các nước như Mỹ và Anh thì các cá nhân có bằng Đại học có thu nhập cao hơn những người không có bằng tương đương khoảng 20% đến 30%.
Tạo mối quan hệ tốt với một số ít Giảng viên chuyên ngành. Ai đi học thì cũng cần tôn trọng giáo viên, điều đó tốt cho cả người học và người dạy. Nhưng mối quan hệ tốt tức là đặc biệt hơn và gần gũi hơn. Vì sao điều này là cần thiết?
Vì các Giảng viên chuyên ngành hiểu biết về ngành học của bạn, họ có thể cho bạn lời khuyên chất lượng mà khó tìm thấy ở chỗ khác. Thứ hai, họ có mối quan hệ ở doanh nghiệp và hiểu biết về ngành đó (gọi là industry knowledgeable) – họ có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về ngành học đang hoạt động thực tế trong xã hội, có khi giới thiệu bạn với các doanh nghiệp. Họ có thể là người đỡ đầu cho bạn và họ cũng có thể là đồng nghiệp tương lai của bạn. Thêm một người quen tốt thì thật là tốt. Tất nhiên đừng lạm dụng mối quan hệ này – họ đủ thông minh để nhận ra điều đó. Nhưng nhớ là quen ít người thôi.
Tiếp đến là nói KHÔNG với các hoạt động không liên quan nhiều đến mục tiêu học tập của bạn. Ở Trường Đại Học sẽ có rất nhiều hoạt động, đoàn hội, câu lạc bộ đủ kiểu. Tất nhiên các hoạt động xã hội này cũng giúp bạn có thêm bạn bè, rèn luyện kỹ năng “mềm” này nọ. Nhưng bạn cần biết, bạn không có nhiều thời gian vì vậy cần ưu tiên các kiến thức và kỹ năng chuyên môn trước để về sau bạn nên phục vụ xã hội và bản thân bằng chuyên môn. Trừ khi bạn có ưu tiên khác.
Dành thời gian học ngoại ngữ, nên ưu tiên Tiếng Anh. Vì Tiếng Anh là ngôn ngữ truyền tải chính hiện nay về kiến thức quản trị, thương mại quốc tế và khoa học kỹ thuật. Biết Tiếng Anh đến bậc B2 hay IELTS 6.5 sẽ giúp bạn rất nhiều để phát triển bản thân. Nếu có thêm thời gian, hãy học thêm tiếng Trung Quốc. Nhưng hãy học giỏi Tiếng Anh trước đã. Tiếng Anh cũng sẽ tạo điều kiện cho bạn thuận lợi nếu muốn đi du học để nâng cao chuyên môn.
Dành thời gian học một ngôn ngữ lập trình máy tính. Hiện tại và tương lai, trong mọi công việc đều cần đến máy tính, internet và các thiết bị khác. Biết một ngôn ngữ lập trình ở mức độ khá tốt thì sẽ tạo cho bạn thế mạnh trong tìm việc và phát triển bản thân về sau. Một số ngôn ngữ phổ biến hiện nay là C++, C#, JavaScript, Java, Python, R. Về web có thể học thêm HTML5, CSS, PHP. Những kiến thức này bạn hãy tìm trên các trang chuyên về lập trình vì ở đó các bạn sẽ có thông tin chính xác hơn.
Chơi một môn thể thao. Có rất nhiều môn thể thao, và hiện tại ở Việt Nam các trường Đại Học dạy khá nhiều – và hơi loãng, thiếu chiều sâu. Thực tế trong cuộc sống cho thấy, khi chúng ta đi làm chỉ có thể chơi 1 môn thể thao chính vì không có nhiều thời gian. Do đó, bạn nên chọn một môn và chơi thường xuyên để vừa rèn sức khỏe vừa rèn kỹ năng, có thêm bạn bè, thuận lợi về sau trong giao lưu xã hội.
Đọc sách. Sinh viên nên đọc sách, nhất là sách chuyên môn. Nên đọc ít nhất 5 quyển sách chuyên môn trước khi ra trường, điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành của mình và mối quan hệ với một số kiến thức, chuyên ngành khác. Nói nôm na là bạn thấy được cái hệ sinh thái (ecosystem) ngành của mình ở đâu trong xã hội. Và đọc các sách khác theo sở thích, duy trì 3 tháng đọc 1 quyển là được. Sẽ có ích cho bản thân rất nhiều. Điều này tôi có chia sẽ trên báo giáo dục, các bạn có thể tham khảo ở đó.
Tự học. Hãy tìm đọc sách, trên internet để trả lời các câu hỏi mà bạn cần. Nó giống như tìm các bài hát hay bộ phim vậy thôi, quan trọng là dùng từ khóa chính xác. Biết Tiếng Anh sẽ giúp bạn rất nhiều điều này, vì Tiếng Anh có vốn thông tin trên mạng internet nhiều hơn bất cứ ngôn ngữ nào. Đại đa số kiến thức học đại học ở Việt Nam đều được dịch từ Tiếng Anh (hiện nay), trước kia là từ Tiếng Nga.
Xây dựng thái độ học tập tốt. Tức là phải học với tinh thần cầu tiến, luôn cố gắng hết sức mình trong hoàn cảnh của mình. Học với sự kiên trì bền bỉ (perseverance, grit) và khoa học. Có thể kết quả học tập của bạn không tốt hơn nhiều người khác, không tốt hơn bạn bè. Nhưng bạn nên thể hiện tinh thần học tập, cố gắng và sự cầu tiến bằng hoặc hơn bạn bè. Xem kết quả làm bài tập, báo cáo cá nhân, thuyết trình là những sản phẩm của cá nhân. Sau thời gian dài bạn sẽ thấy nó mang lại kết quả có thể làm bạn phải ngạc nhiên.
Tạo profile trên một blog. Học ở Đại học có rất nhiều bài tập, báo cáo (report) và thuyết trình (presentation). Bạn nên lưu lại tất cả các bài tập này dưới dạng giấy, hình ảnh, file. Và bạn nên bỏ lên trên một blog cá nhân. Đó sẽ là nơi lưu lại tất cả những gì bạn làm trong suốt quá trình học đại học. Sau này, nếu muốn cho một nhà tuyển dụng thấy bạn là ai và làm gì học gì ở đại học, bạn cho họ cái link đến blog. Thật tuyệt vời. Hãy chăm các bài tập, báo cáo, thuyết trình của bạn – vì nó là sản phẩm của bạn, là hình ảnh của bạn. Hãy làm tốt nhất có thể.
Học khởi nghiệp (entrepreneurship). Kiến thức lĩnh vực này giúp bạn kết nối tốt với thực tế xã hội, nhất là thị trường trong ngành của bạn. Ngoài ra, nó giúp bạn trong trường hợp bạn không muốn làm việc ở doanh nghiệp khác hay cơ quan nhà nước, mà làm cho chính bạn.
Nếu bạn có câu hỏi gì thì hãy để lại trong comment bên dưới.