Tại sao con người tin vào chúa trời/thượng đế tối cao?
Năm 2015, cả thế giới có tầm 7.3 tỉ người. Theo điều tra của trung tâm nghiên cứu Pew, tầm 84% dân số toàn thế giới theo tôn giáo nào đó (1). Hiện tại có rất nhiều tôn giáo đang tồn tại trên thế giới, nhưng phần đông dân chúng theo Thiên Chúa Giáo, Đạo Hồi, đạo Hindus, đạo Phật. Có 2.3 tỉ người gắn bó với Thiên Chúa Giáo, 1.8 tỉ người theo đạo Hồi, 1.1 tỉ theo đạo Hindus và 500 triệu người theo đạo Phật. Khoảng 400 triệu người khác theo các loại phong tục, tôn giáo truyền thống. Phần còn lại của dân số thể giới - khoảng 1.2 tỉ người nói rằng họ không theo tôn giáo nào. Mặc dù đến nay chúng ta cũng không có một bằng chứng nào thuyết phục cho sự tồn tại của thượng đế, đấng tối cao; cho dù đó là Chúa, là Allah…Nhưng cho đến nay, có rất nhiều người tin vào tôn giáo; ở tất cả mọi vùng lãnh thổ trên quả đất, ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Thậm chí nhiều tôn giáo được dự đoán sẽ phát triển thêm – tức tăng số lượng người theo như đạo Hồi, Thiên Chúa Giáo, Hindus, Do Thái. Chúng ta tự hỏi tại sao con người tin vào tôn giáo, tin vào thượng đế, chúa trời đến vậy. Giải thích cho hiện tượng này chỉ có thể dựa vào bản chất tự nhiên của con người; sự nhỏ bé yếu ớt, cần sự an toàn để phát triển, để duy trì sự sống, tăng khả năng thích nghi. Và cả sự bất lực trước thế giới to lớn, trước tuổi thọ ngắn ngủi mà không thể làm gì khác được, trước câu hỏi huyền bí về lí do cho sự tồn tại của bản thân trên đời. Tôn giáo dường như đã làm được rất nhiều cho con người, để xoa dịu các lo lắng, khỏa lấp đi các khoảng trống sợ hãi trong tâm thức con người.
Tại sao con người tin vào Chúa Trời là một câu hỏi hóc búa qua nhiều thế hệ. Karl Marx từng cho rằng tôn giáo là thuốc phiện. Sigmund Freud nghĩ rằng chúa chỉ là sự hoang tưởng, người cầu nguyện chúa như quay lại thời trẻ thơ – tìm kiếm sự chở che và tha thứ. Theo tâm lý học thì niềm tin vào Chúa Trời đã tiến hóa cùng với con người nhằm mục đích tăng khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên (2). Sự tiến hóa đó đã khắc sâu vào trong gene của con người qua nhiều thế hệ.
Con người dù được mệnh danh là khôn ngoan, thống trị thế giới trên quả đất. Nhưng bản thân con người là nhỏ bé, yếu ớt, chơi vơi giữa thế giới bao la này. Chính điều này làm cho con người sợ hãi, nên ta cần một chỗ dựa để an toàn, dù chỉ là niềm tin. Để tồn tại và phát triển, con người phải sống theo cộng đồng, thời cổ là bầy đàn, thời nay là hội đoàn, làng xã, thành phố, quốc gia.
Theo thuyết tiến hóa, những gì tốt, giúp tăng khả năng thích nghi của con người sẽ được duy trì và phát triển cùng với sinh vật. Sống theo cộng đồng phù hợp với xu hướng này. Điều này có thể giải thích được từ lối sống bầy đàn của người cổ, lối sống săn bắt hái lượm, phụ thuộc vào thiên nhiên, khi mà nguy hiểm rình rập khắp nơi. Sống theo cộng đồng, con người bảo vệ lẫn nhau trước các nguy hiểm (như thú rừng), hay kẻ thù. Sự tồn tại của Thượng Đế, Đấng Tối Cao còn là điểm tựa cho sự hòa hợp và thống nhất cộng đồng, nhất là trong các thời điểm có biến như xung đột, chiến tranh. Khi người ta kêu gọi sự đoàn kết của cộng đồng thì các motto phổ biến như: In God we trust, Under God, in God name… thường được nêu lên để tìm một điểm tựa chung trong niềm tin làm cột mốc bắt đầu cho các hành động chung khác.
Sống theo cộng đồng cũng giúp tinh thần thoải mái và sống hạnh phúc. Sinh hoạt tôn giáo có tính cộng đồng, giúp cảm thấy an toàn hơn, vui vẻ hơn qua các hoạt động vui chơi, nhảy múa, tiệc tùng, cầu nguyện, chúc tụng…. Tham gia vào tổ chức tôn giáo như hành vi gia nhập cộng đồng - giúp thích nghi tốt hơn với môi trường xã hội. Con người khó sống tốt, tâm lý sẽ bất thường khi sống riêng lẻ/cô đơn. Nhu cầu sống trong cộng đồng này được phản ánh thêm nữa qua những năm gần đây, như sự hình thành nên các cộng đồng và nhà thờ, ở đó họ không sinh hoạt tôn giáo như cầu nguyện và trò chuyện với chúa, nhưng họ vui chơi đàn hát với nhau, học tập cùng nhau, nói chuyện với nhau về đạo đức (3,4).
Bản thân con người rất tò mò và ham hiểu biết. Từ niềm tin đơn thuần, phát triển nên triết học, rồi khoa học hiện đại – tất cả để đáp ứng sự ham hiểu biết của con người (bên cạnh giải quyết các vấn đề xã hội). Tự nhiên dường như rất ưu ái con người; cho con người sự thông minh và khả năng tưởng tượng. Tuy vậy, sự hiểu biết của con người vẫn còn ít – ít nhất là cho đến hiện nay. Albert Einstein từng nói cái ngu của con người là vô hạn là vậy. Có nhiều sự vật và hiện tượng (như nguồn gốc của vũ trụ, của sự sống) con người chưa hiểu được nên cũng cần tìm một giải thích tạm thời nào đó để thỏa mãn. Và thượng đế tạo ra thế giới là lời giải thích đơn giản nhất để chấp nhận và an tâm mà sống. Tin vào đó như một cách thỏa hiệp tạm thời để sinh tồn, đây cũng chứng tỏ một sự khôn ngoan của con người để tăng khả năng thích nghi và phát triển.
Vậy còn 1.2 tỉ người không tin vào Chúa trời/Đấng tối cao thì sao? Tất nhiên họ sẽ có niềm tin khác làm điểm tựa cho họ, có thể đó là khoa học, là đạo đức, hay cái gì đó khác. Nhưng niềm tin đó vẫn phải mang lại sự an bình, an toàn dù chỉ là cảm giác, sự thích nghi để phát triển. Nếu ai đó nói, “Tôi không tin vào điều gì cả”, thì bản thân nó cũng là một niềm tin rồi. Niềm tin vào điều gì đó có thể đã được thêu dệt vào gene của chúng ta (5,6).
Tham khảo thêm ở đây
- https://www.theguardian.com/news/2018/aug/27/religion-why-is-faith-growing-and-what-happens-next
- https://www.independent.co.uk/news/science/why-believe-god-religion-cognitive-psychology-sigmund-freud-a8691221.html
- https://www.theatlantic.com/international/archive/2018/05/american-atheists-religious-european-christians/560936/
- https://www.economist.com/erasmus/2018/05/16/the-elusive-phenomenon-of-churches-without-god
- https://www.washingtonpost.com/news/acts-of-faith/wp/2017/02/27/a-scientists-new-theory-religion-was-key-to-humans-social-evolution/?utm_term=.b7cd8fafd5f4
- http://blogs.discovermagazine.com/crux/2018/10/15/human-brain-evolution-belief-in-god/#.XM0D2thx3IU