Thách thức của giáo dục truyền thống
Có nhiều người không đi học đại học mà vẫn rất thành đạt. Một số đang học đại học nhưng bỏ học để theo đuổi dự án kinh doanh, phát triển công nghệ, thiết bị. Điều này cho thấy những cá nhân này đã đạt đến trình độ đáp ứng được nhu cầu của xã hội – họ phát hiện ra nhu cầu của khách hàng và tạo ra được sản phẩm có giá trị to lớn phục vụ xã hội. Thông thường họ thực hiện dự án ở lứa tuối 20. Điều đó chứng tỏ khả năng con người có thể đạt đến độ trưởng thành ở lứa tuổi này. Rất tiếc, số người đạt được thành tựu này là thiểu số. Như vậy, một hệ thống giáo dục tối ưu sẽ giúp tạo ra số đông người trưởng thành ở mức tuổi này. Điều kiện để hệ thống giáo dục tạo ra được nhiều người như vậy là như thế nào? Đây là thách thức thứ nhất.
Thách thức thứ hai nằm ở chỗ không cần có bằng cấp vẫn có thể thành đạt. Người học có khả năng tạo ra sản phẩm có giá trị để chứng tỏ với xã hội về trình độ của họ, chứ không phải bằng cấp và chứng chỉ. Vậy hệ thống giáo dục truyền thống đang đối mặt với trào lưu giáo dục mới – học không cần bằng cấp nhưng cần phải tạo ra sản phẩm có giá trị. Giá trị của sản phẩm được đo đạt nhờ vào thị trường mua bán. Có hai xu hướng diễn ra theo xu hướng này: (1) Học theo kiểu hiện đại: tự học, học online và tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội và (2) Học theo kiểu tự học, học online và thi lấy chứng chỉ tại một cơ sở đào tạo, cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo. Những xu hướng này có thể làm cho kiểu truyền thống phải thay đổi – giờ đây người học không nhất thiết phải lấy bằng cấp làm minh chứng cho trình độ của họ. Người học cũng không nhất thiết phải đến trường đại học để học.
Tuy nhiên muốn tạo ra được giá trị cho xã hội ở lứa tuổi 20 thì người học cần phải tích lũy kiến thức và kỹ năng từ sớm - lúc 10 tuổi. Trải qua hơn 10 năm luyện tập và cố gắng, họ sẽ trở nên rất giỏi trong lĩnh vực họ chọn lựa. Đây là lúc họ tạo ra sản phẩm giá trị cho xã hội. Sản phẩm sẽ nói lên năng lực của họ và khách hàng trả tiền để dùng sản phẩm sẽ khẳng định giá trị đó là thật. Vì vậy, những cá nhân rơi vào trường hợp này không cần phải đến học đại học, họ không cần bằng cấp. Rất tiếc số người có cơ hội tích lũy kiến thức và kỹ năng sớm này, vừa phù hợp với bản thân vừa có giá trị cho xã hội, là thiểu số.