Trở thành chuyên gia xuất sắc là bẩm sinh hay qua học tập miệt mài?
Chuyên gia được xã hội coi trọng, được nhiều người ngưỡng mộ, một số ít góp phần làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về thế giới. Nhiều người trong số chúng ta mong muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình chọn. Đặc trưng của chuyên gia đầu ngành là làm việc hiệu quả hơn đại đa số người cùng lĩnh vực với độ tin cậy cao và ổn định (1). Họ thuần thục về kỹ năng giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực hẹp nhất định. Và thông thường họ thường giải quyết vấn đề theo hướng phân tích kỹ vấn đề, sau đó đưa ra một giải pháp/giả thuyết và tiến hành công việc theo giải pháp cho đến khi giải quyết xong vấn đề hoặc nếu gặp trở ngại lớn – lúc này họ thay đổi giải pháp (thuật ngữ chuyên môn gọi là forward-oriented reasoning pattern). Đối với người mới bắt đầu, họ thường đưa ra nhiều giả thuyết ban đầu và đi kiểm tra từng giả thuyết một – mất thời gian và ít hiệu quả do không theo một giả thuyết một cách hệ thống (gọi là backward reasoning). Thông thường số người chuyên gia đầu ngành này không nhiều, chỉ chiếm 5% tốp đầu trong lĩnh vực.
Vì chuyên gia được đánh giá cao trong xã hội nên việc đào tạo chuyên gia luôn là trăn trở trong giáo dục và đào tạo. Việc tìm hiểu con đường trở nên chuyên gia luôn thu hút nhiều nghiên cứu. Nhà bác học người Anh, Francis Galton (1869 – 1911), là người đầu tiên tìm hiểu một cách nghiêm túc để trả lời cho những câu hỏi đó dựa vào thống kê và nghiên cứu phả hệ (2). Ông cho rằng việc đạt đến trình độ chuyên gia xuất sắc (hay thiên tài) được di truyền từ cha mẹ sang con cái. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, trở thành chuyên gia là bẩm sinh hay qua học tập và rèn luyện là câu hỏi hóc búa vẫn còn gây nhiều tranh luận, đặc biệt trong lĩnh vực nhận thức học, tâm lý học nhận thức và giáo dục. Các trường phái khác nhau này xoay quanh hai yếu tố: di truyền và môi trường.
Trường phái đầu tiên cho rằng trở thành chuyên gia nhờ vào di truyền. Như đã đề cập bên trên, nhà bác học Francis Galton là cha đẻ của trường phái này. Tuy nhiên, theo Ông, việc học tập và rèn luyện là quan trọng để đạt đến trình độ cao; yếu tố di truyền quyết định giới hạn trên của mức độ xuất sắc. Gần đây, một số nghiên cứu khác củng có kết luận tương tự (3, 4), cho rằng di truyền đóng vai trò quyết định đến sự đạt được mức độ chuyên gia như trong lĩnh vực âm nhạc, chơi cờ và nghệ thuật. Các nhà nghiên cứu cho rằng di truyền đóng vai trò quan trọng trong “thu hút” các cá nhân vào một số hoạt động nhất định ở thời gian đầu. Ngoài ra, di truyền góp phần hình thành nên một cơ thể có năng lực đặt biệt như Mozart thì có khả năng đặt biệt về cảm nhận âm thanh hay Leonardo da Vinci thì có khả năng vượt trội về tài tưởng tượng (5). Khi gặp môi trường thuận lợi như luyện tập đủ dài, nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã hội, cá nhân có thể đạt đến trình độ cao.
Trường phái khác cho rằng học tập và rèn luyện có chủ đích có vai trò quyết định. Nhà tâm lý học hàng đầu phổ biến và theo trường phái này là K. Anders Ericsson (6). Ông cho rằng luyện tập có chủ đích là quan trọng giúp đạt đến trình độ chuyên gia vì sự tích lũy kiến thức và kỹ năng nền tảng là cần thiết trước khi đạt đến độ chuyên nghiệp. Và thời gian chuẩn bị này kéo dài và phụ thuộc vào sự hiệu quả sử dụng nguồn lực cá nhân, gia đình và xã hội. Nghiên cứu của Ericsson đúc kết rằng thời gian chuẩn bị cần thiết là 10000 giờ - trải dài trong vòng 10 năm. Và quy luật này được đưa đến công chúng một cách rộng rãi nhờ vào sách Outliers_ The Story of Success, xuất bản năm 2008, của nhà báo Malcolm Gladwell. Sách nêu một số ví dụ trong đó đặc biệt là trường hợp thành công của Bill Gates và ban nhạc The Beatles.
Hai trường phái trên, mặc dù đã đưa ra một số minh chứng nghiêm túc, nhưng chưa thật sự đủ thuyết phục, gần đây nhiều nhà nghiên cứu theo xu hướng nhấn mạnh sự tương tác phức tạp giữa di truyền và môi trường tạo nên chuyên gia xuất sắc (7). Để trở thành chuyên gia cần nhiều yếu tố tác động tổng hòa tạo nên, trong đó nhờ vào yếu tố di truyền quyết định đến năng lực của cơ thể, tạo niềm đam mê, và sau đó là sự học tập và rèn luyện có chủ đích hiệu quả trong thời gian đủ dài.
Đến đây có thể thấy rằng các bằng chứng khoa học chưa có câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi về vai trò của di truyền và môi trường trong sự hình thành kỹ năng cao, tạo ra các cá nhân xuất sắc trong xã hội. Do đó, chúng ta có thể tin rằng sự tương tác của cả hai yếu tố góp phần tạo nên; trong đó di truyền đóng vai trò nền tảng dưới dạng tiềm năng và môi trường tác động với di truyền hình thành nên cá nhân xuất sắc. Những nghiên cứu trong lĩnh vực này đặc biệt quan trọng trong giáo dục và đào tạo vì thực chất của giáo dục và đào tạo là tạo ra một môi trường tốt nhất để các cá nhân học tập và phát triển. Ít nhất đến hiện nay, thế giới chưa tác động đến di truyền để tối ưu quá trình phát triển của con người (8). Vì vậy, thay đổi môi trường vẫn là yếu tố duy nhất mà chúng ta đang làm. Nếu có thể định lượng được chính xác hơn mức độ đóng góp của từng yếu tố thì việc đầu tư như thế nào cho giáo dục sẽ hiệu quả hơn và như vậy tiềm năng của mỗi con người sẽ có cơ hội phát triển đến mức cao nhất.