Bài 2: Học một lĩnh vực như thế nào?
Trước hết cần chọn mục tiêu học: lĩnh vực và mục tiêu chi tiết cần đạt được theo mốc thời gian.
Đây là bước vô cùng quan trọng, nó mang tính quyết định không những đến sự thành công mà còn ảnh hưởng lớn đến sự hạnh phúc của người học về lâu dài. Einstein từng nhấn mạnh yếu tố yêu thích quyết định đến sự thành đạt về sau: “Nothing truly valuable arises from ambition or from a mere sense of duty; it stems rather from love and devotion towards men and towards objective things.”
Do đó người học cần tìm kiếm và suy nghĩ, cảm nhận để đi đến một lựa chọn tốt nhất cho bản thân. Khi chọn sai, tất nhiên có thể thay đổi, nhưng sẽ mất một khoản thời gian dài. Nếu làm bước này đúng, càng sớm càng tốt, sẽ thuận lợi hơn về sau trong phát triển sự nghiệp và cảm nhận sự hạnh phúc theo dọc đường.
Tiếp theo người học cần tìm hiểu kỹ hơn lĩnh vực thông qua trả lời được câu hỏi: cấu trúc của lĩnh vực đó như thế nào (ecosystem of the field)? Những cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực đó đang làm gì và giải quyết vấn đề gì, phục vụ ai, quy mô ra sao? Ai là những cá nhân tiêu biểu, những tổ chức tiêu biểu ở tầm địa phương, quốc gia, quốc tế? Để thuận lợi cho bước này người học nên tìm hiểu các tiêu chí đánh giá chuyên môn trong lĩnh vực đó như các giải thưởng danh giá trong lĩnh vực họ đang làm, sản phẩm tiêu biểu.
Tiếp đến là tìm hiểu và thiết lập mạng lưới kiến thức và kỹ năng của lĩnh vực đó (web of knowledges/skills, concept map). Cách đơn giản nhất là đọc một quyển sách hay tài liệu thuộc về nguyên lý nền tảng của lĩnh vực đó để có cái nhìn cơ bản nhất trong lĩnh vực. Hãy xin ý kiến của các cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực để lựa chọn tài liệu, sách chính xác hơn.
Tiếp theo đó là tìm đọc thêm một số sách vở tài liệu tốt nhất viết về lĩnh vực đó và đọc một vài tài liệu ở biên giới kiến thức của lĩnh vực (frontier) để thấy được tình trạng hiện tại lĩnh vực đó đang ở đâu, như thế nào, các chuyên gia đang cố gắng giải quyết vấn đề gì và hình dung được các thách thức của lĩnh vực đó. Phân tích kỹ chiều sâu và rộng các khái niệm, kỹ năng và mối liên kết giữa các khái niệm, kiến thức và kỹ năng xen vào hay dùng để tạo ra sản phẩm tốt nhất hiện thời trong lĩnh vực đó để hiểu mức độ expertise yêu cầu trong lĩnh vực. Điều này có thể ví như forensic science ứng dụng vào sản phẩm trí tuệ nhằm hiểu được chiều rộng, sâu của một sản phẩm và dự đoán được mạch suy nghĩ, cấu trúc não của chuyên gia tạo ra nó làm nền tảng cho việc dạy và học.
Từ đó lập ra mạng lưới các khái niệm kiến thức, kỹ năng liên quan (Web of knowledges) trong lĩnh vực, đặc biệt chú ý đến các lý thuyết nền tảng (fundamental theories) và kèm theo các kỹ năng thiết yếu (essential skills).
Cần tham khảo con đường (Pathway) mà các cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực đã trải qua (học, làm việc, kinh nghiệm, thời gian học) trước khi đạt đến các thành tựu rực rỡ. Quan trọng không kém là thời gian từ lúc kết thúc việc học ở trường lớp đến khi đạt thành tựu (peak performance) là bao lâu. Cũng cần phải xem xét cái giá mà họ đã trả để đạt thành tựu đó như thế nào (tiền bạc, tài chính, tâm sinh lý, gia đình, sức khỏe, sự hài lòng trong sự nghiệp). Hãy nói chuyện trực tiếp với họ để xin lời khuyên nếu có thể.
Căn cứ trên sự hiểu biết nền tảng đó đi tìm các chương trình đào tạo, trường dạy về lĩnh vực này. Thực ra tất cả các bước trên giúp cho người học tiếp cận được ý tưởng tốt nhất (best ideas), được đào tạo tốt nhất (best training) và có được trải nghiệm nhất (best experience). Điều này giúp người học xây dựng vốn con người (human capital), giúp bản thân trở thành một tài sản giá trị khác biệt (distinstive assets) và từ đó tạo ra các đóng góp có giá trị rất riêng (unique contribution) cho xã hội. Khi tiếp cận được các cơ hội học, rèn luyện thì người học còn có thể xây dựng vốn xã hội (social capital) giúp cho quá trình học, phát triển sự nghiệp thuận lợi hơn. Điều mà Einstein nhấn mạnh tầm quan trọng khi có nhiều like-mind men đi chung đường để đi xa hơn và tận hưởng niềm vui dọc đường.
Nói như vậy không đồng nghĩa với việc ai tiếp cận được những điều ấy đều phát triển tốt như ý muốn. Vì có nhiều yếu tố tác đông đến quá trình học và thành quả đạt được. Nhất là các điều kiện chủ quan như động cơ học phải mạnh (strong motivation), nguồn lực nuôi dưỡng động cơ này phải dồi dào để theo đuổi việc học hiệu quả (to learn sustainably) trong thời gian khá dài với rất nhiều vất vả và thử thách.
Về kỹ năng học thì có một nguyên tắt mà người học cần chú ý đó là phải chủ động sử dụng trí não. Nói nôm na là khi học mà trí não không sử dụng thì sẽ không phát triển hay phát triển rất chậm. Học thật sự hiệu quả nhất khi có sự tập trung ở cường độ cao của não, dân gian gọi đó là sự chú tâm cần thiết. Người học cần học với sự nhiệt huyết, hăng say, với sự thèm khát kiến thức và phát triển kỹ năng. Học đến hướng đến chân thiện mỹ và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội. (Active and focus learning, learning with enthusiasm, obsessive with learning and mastery, strive for excellence, learn to creat valuable products for society).