Cách chọn thời điểm mua chứng khoán
Trong bài viết trước, tôi có hướng dẫn cơ bản về đầu tư chứng khoán, bạn có thể tham khảo theo link này: Cơ bản về đầu tư chứng khoán. Trong bài này, tôi chia sẻ một vài nguyên tắc cơ bản để chọn thời điểm mua chứng khoán.
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng gần 2000 công ty niêm yết, trên sàn HOSE, HNX và Upcom. Giả sử bạn đã xác định được một vài doanh nghiệp mà bạn muốn đầu tư, việc còn lại là chọn thời điểm mua. Vậy chọn mua khi nào? Hãy nhìn vào hình 1 sau đây.
Hình 1. Biểu đồ thể hiện giá cổ phiếu một công ty đang niêm yết trên sàn hiện nay.
Bạn thấy tháng 01 năm 2010 giá là tầm hơn 4000/cp, đến cuối năm 2015 giá tầm 11000/cp. Như vậy trong vòng 5 năm, giá tăng gần gấp 3 lần. Tương ứng giá cổ phiếu tăng hơn 20% mỗi năm. So với bạn để tiền trong ngân hàng, thì mua cp của công ty này từ năm 2010 bạn có lãi cao hơn nhiều lần.
Xét từ thời điểm cuối năm 2015, giá cp là 11000/cp và giá này ở thời điểm giữa năm 2020 là không đổi. Như vậy trong suốt gần 5 năm, giá cp không tăng. Nếu bạn mua cp công ty này vào năm 2015 thì mãi đến giữa năm 2020 bạn không có lời (do giá không tăng, ngoại trừ bạn có thể nhận cổ tức). So với lãi suất ngân hàng, thì bạn bị lỗ suốt 5 năm liền.
Từ giữa năm 2020 cho đến giữa năm 2022, giá tăng từ 11000/cp đến hơn 60000/cp, nghĩa là trong vòng 2 năm giá tăng hơn 5 lần. Đây là tốc độ tăng giá cp rất cao, ai mua vào thời điểm năm 2020 thì nhận được lãi lớn sau hai năm.
Từ tháng 4 năm 2022 cho đến hiện nay (12/2022), giá cp giảm từ 74000 vnd/cp về 20000 vnd/cp, vậy giảm hơn 3.5 lần chỉ trong 8 tháng. Vậy ai mua vào đầu năm 2022 thì đến nay sẽ lỗ (nếu bán ra).
Từ phân tích trên, chúng ta thấy giá cp tăng giảm qua thời gian không giống nhau, lúc tăng nhanh, lúc tăng chậm, lúc không tăng, và có lúc giảm sâu.
Đầu tư vào chứng khoán cần xác định đúng thời điểm mua, nếu không sẽ rất rủi ro. Nhưng việc dự đoán giá cp theo thời gian là không khả thi nếu như chỉ nhìn vào đồ thị mà dự đoán. Vì vậy, người đầu tư cần dùng các cơ sở khác để dự tính đúng hơn một vài yếu tố như: giá cp hiện nay có rẻ không, nên mua không? Khả năng thay đổi giá cp trong tương lai ra sao, có tốt không.
Để trả lời được các câu hỏi đó, người đầu tư cần dựa vào số liệu kế toán – kiểm toán trong quá khứ của doanh nghiệp, cần dựa vào sự hiểu biết về doanh nghiệp, thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong tương lai gần và xa.