Tin tức

Giáo dục đại học Việt Nam

Viết bởi: Nguyễn Đình Đức trên dantri.com.vn, 12 04 2021

Đến nay, hầu hết tất cả các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều đã có đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng; 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và được cấp phép hoạt động.
 

Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước đã có 149 cơ sở giáo dục đại học và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, chiếm khoảng 55% tổng số các trường đại học, học viện trong cả nước.
 

Có 7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Có 145 chương trình đào tạo của 43 trường đại học được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước; 195 chương trình đào tạo của 32 trường được đánh giá, công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
 

Qua tự đánh giá, đánh giá ngoài, nhà trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu và xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sát thực, hiệu quả hơn. Các cơ sở giáo dục đã thay đổi cách nhìn nhận về công tác quản lý và chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý nhà trường, quản lý dạy, học. Kiểm định chất lượng giáo dục tạo động lực cho công tác đánh giá nói chung, góp phần quan trong thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập với thế giới.
 

Bên cạnh hoạt động kiểm định, xếp hạng đại học là hoạt động được các trường đại học Việt Nam đặc biệt coi trọng trong những năm qua.  Nếu kiểm định phản ánh chất lượng thì xếp hạng đại học nói lên đẳng cấp.
 

Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, 2 ĐHQG có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS. Đến nay, nước ta có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng Châu Á của QS; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới…
 

Đó là những thành tựu lớn lao, kết quả của sự bứt phá vươn lên trong những năm gần đây của giáo dục đại học Việt Nam.
 

Chuyển biến đột phá về chất lượng đội ngũ giảng viên đại học
 

Kết quả nổi bật thứ 2, là giáo dục đại học  tạo được sự đột phá, chuyển biến về chất lượng đội ngũ. Công bố quốc tế, chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng người học ở bậc đại học, sau đại học có bước nhảy vọt so với giai đoạn trước
 

Đến cuối 2020, công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 49 của thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý là 70% công bố quốc tế của Việt Nam là từ các trường đại học.
 

Chất lượng đội ngũ tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, GS, PGS, TS không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế; thì nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc yêu cầu GS,  PGS và cả các nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế.
 

Cơ cấu ngành nghề thay đổi mạnh mẽ
 

Các chương trình đào tạo được thiết kế và xây dựng theo định hướng đảm bảo chất lượng và yêu cầu, đáp ứng chuẩn đầu ra.
 

Chuẩn CDIO đã được triển khai khi xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo ở một số trường.
 

Bên cạnh các chương trình đào tạo chuẩn, các trường đại học đã tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.
 

Đội ngũ giảng viên tham gia các chương trình này là những giảng viên ưu tú của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài, nhằm phát triển quốc tế hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu.
 

Bên cạnh đó, với chương trình 322, 911, chúng ta đã cử đi đào tạo được hàng nghìn trí thức trẻ, ưu tú đi học đại học, thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài.
 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chưa từng có kéo theo yêu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và đang tạo ra những cơ hội cũng như thách thức với giáo dục đại học.
 

Giáo dục đại học Việt Nam đã có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh và phù hợp. Các ngành tự động hóa, CNTT, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý hệ thống thông tin, công nghệ nano, vật liệu và kết cấu tiên tiến,...được giảng dạy và đào tạo ở nhiều  trường đại học khác trong cả nước.
 

Như vậy, cho thấy giáo dục đại học của Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ và đang đi nhanh và đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của thời đại.
 

5 năm tới là giai đoạn bản lề, có ý nghĩa quyết định và kỳ vọng trả lời cho câu hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của nước ta liệu có đủ sức để vươn lên, nắm bắt được cơ hội đưa Việt Nam trở thành con rồng, con hổ trong khu vực và thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay không? Câu trả lời khẳng định phụ thuộc rất lớn vào thành công của giáo dục đại học.
 

Chính vì vậy, giáo dục đại học cần được quan tâm đặc biệt. Hội nhập quốc tế về kiểm định và xếp hạng đại học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong các trường đại học và nâng cao chất lượng đào tạo sản phẩm đầu ra của nhà trường  -3 nội dung cốt lõi như tôi đã nêu ở trên là những giá trị bất biến và đương nhiên là chúng ta phải tiếp tục giữ vững và phát triển trong thời gian tới.
 

Bên cạnh đó, theo tôi, chúng ta còn cần phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tự chủ đại học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đại học.
 

Tự chủ đại học là điểm mới, điểm sáng và thành công nhất của Luật giáo dục đại học sửa đổi vừa rồi. Và 5 năm tới là giai đoạn phải triển khai thực hiện sâu rộng tự chủ đại học trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
 

Mặc dù đã được nêu trong Luật và có Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện, nhưng đến nay, tự chủ đại học, nhất là mô hình tự chủ của các đại học 2 cấpnhư hai  Đại học Quốc gia và các đại học vùng vẫn còn nhiều lúng túng, và vì vậy chưa thực sự tạo nên sự cộng hưởng của các nguồn lực để tạo nên những bước phát triển đột phá trong giáo dục đại học của nước nhà.
 

Mức thu học phí của các trường đại học công lập cũng chưa có những chuyển biến tích cực và đồng bộ theo định mức kinh tế -kỹ thuật, đủ để đảm bảo chất lượng theo chuẩn đầu ra với từng ngành nghề mà Luật giáo dục đại học sửa đổi cho phép, điều này dẫn đến nguồn lực bị hạn chế và chảy máu chất xám ở các trường đại học công lập.  
 

 Có tự chủ, các trường đại học mới có nguồn lực và cơ chế để thu hút và trọng dụng nhân tài. Mà nhân tài mới là yếu tố cạnh tranh, làm nên những thành công đột phá của mỗi quốc gia, tổ chức.
 

Khoa học và công nghệ chính là "chiếc đũa thần" để đưa dân tộc ta có thể vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
 

Nếu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ ba, các trường đại học hàng đầu thường là các đại học nghiên cứu, với 3 chức năng chủ yếu là đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thì ngày nay, trong bối cảnh CMCN 4.0, các đại học phát triển theo mô hình mới với 3 cấu thành và tiêu chí quan trọng nhất là đổi mới sáng tạo, số hóa và ảnh hưởng của các nghiên cứu (Inovation+ Digital+ Research).
 

Vì vậy, trong thời gian tới, các trường đại học một mặt phải đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để làm nòng cột phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam, gia tăng công bố, hội nhập với quốc tế và thúc đẩy thứ hạng của các trường đại học.
 

Mặt khác, phải đẩy mạnh phát triển các patent, sáng chế và các công nghệ mới, để tạo nên tăng trưởng cho nhà trường và cho đất nước, song song với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.  
 

Để đổi mới sáng tạo, các trường đại học phải đẩy mạnh giáo dục STEM, gắn kết đào tạo và nghiên cứu với thực tiễn và các doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo phải gắn với khởi nghiệp.
 

Đẩy mạnh chuyển đổi số và tích hợp, khai phá dữ liệu để đổi mới quản trị đại học, tiến tới xu thế xây dựng các đại học số với quản trị thông minh, gắn với khả năng dự báo và tự ra quyết định, đồng thời "uber hóa" trong giáo dục đại học là những bước đi tất yếu của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.
 

Và cuối cùng, công ăn việc làm, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên phải là một tiêu chí quan trọng, là trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình của các trường đại học trong giai đoạn tới.
 

Xa hơn, song song với giáo dục đại học, để phát triển bền vững và quốc gia hưng thịnh, bên cạnh khoa học và công nghệ, chúng ta cần đặc biệt chú trọng phát triển nguồn lực con người, cần xây dựng một kịch bản cho sự phát triển của xã hội và con người Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0 .


Bài gốc trên dantri
Có thể bạn quan tâm
11 06 2023 Xem thêm
What problems worth solving?
Feynman wrote a letter to his former student explaining what problems worth solving: The worthwhile...
27 05 2023 Xem thêm
Làm R&D trong công nghiệp Hóa Học
Doanh nghiệp cần các kỹ sư và nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đó như tối ưu vận...
16 03 2023 Xem thêm
Các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công
Cần phải xác định đúng vấn đề và tìm một team phù hợp.
18 02 2023 Xem thêm
How to learn well English language?
Just speak as much as you can.
04 01 2023 Xem thêm
Cách định giá cổ phiếu trước khi mua
Lấy tổng tài sản (đã trừ nợ, trừ thuế) chia cho tổng số cổ phiếu.