Tin tức

Môi trường gia đình, nhà trường và hàng xóm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Viết bởi: Lê Quốc Chơn, 23 05 2019

Câu ca dao “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đúc kết kinh nghiệm của cha ông ta về sự ảnh hưởng của môi trường sống lên sự phát triển của con cháu. Môi trường sống gồm nhiều yếu tố trong đó có gia đình (ông bà, cha mẹ, anh chị em), thầy cô, bạn bè và hàng xóm. Môi trường có cả các sinh hoạt văn hóa, xã hội xảy ra xung quanh trẻ em. Thực vậy, nghiên cứu về khoa học giáo dục, tâm lý và nhận thức học đến nay đã chứng minh kinh nghiệm đó là đúng. Mặc dù cho đến nay chúng ta chưa định lượng chính xác được mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố, nhưng có thể khẳng định môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ một cách tổng hợp, đặc biệt là môi trường gia đình và học đường.
 

Môi trường gia đình ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Cụ thể như điều kiện kinh tế xã hội (socioeconomic status – SES) của gia đình thấp làm hạn chế sự phát triển kỹ năng giao tiếp và vốn từ vựng mà trẻ. Trẻ sinh ra trong gia đình mà cha mẹ có nghề nghiệp chuyên môn (professionals) thì giao tiếp tốt và vốn từ giàu có hơn. Lí do là cha mẹ có vốn từ phong phú và đa dạng, qua tương tác với trẻ sẽ giúp kích thích tốt sự phát triển về ngôn ngữ. Sự phát triển ngôn ngữ phụ thuộc lớn vào chất lượng và tần số tương tác giữa người thân (cha mẹ hay người chăm sóc) với đứa trẻ. Gia đình có thu nhập cao cũng giúp con có điều kiện tiếp cận nhiều cơ hội hơn cho phát triển các kỹ năng (như học ngoại ngữ, thể thao, âm nhạc, tiếp cận được các cơ sở giáo dục tốt an toàn, tiếp xúc với các dụng cụ, sách vở, đồ chơi giáo dục đa dạng). Thêm nữa, sự mong đợi hay kỳ vọng của cha mẹ cũng là một động lực giúp trẻ phát triển tốt.
 

Ngược lại, trong gia đình nghèo khó thì trẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn, có ít cơ hội cho sự phát triển hơn. Lớn lên trong gia đình bạo lực thì làm tâm lý trẻ bị xáo trộn và dễ mắc chứng rối loạn tâm sinh lý. Trong sách “The millionaire next door” khi nói về sự dạy dỗ con cái của các nhà giàu có chỉ ra rằng cách dạy con của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến thành tựu phát triển kinh tế của con cái về sau. Những gia đình dạy con tính kỷ luật, làm việc chăm chỉ, và có kế hoạch tài chính cá nhân chu đáo thì về sau sống độc lập và giàu có. Ngược lại, gia đình dạy con sống lối sống vương giả thì khi trưởng thành thường có xu hướng chi tiêu xa xỉ và sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cha mẹ.
 

Phương pháp dạy dỗ con cái của cha mẹ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt là các kỹ năng xã hội và giải quyết vấn đề. Có 4 cách tiếp cận dạy con thường gặp là thờ ơ, dễ dãi, độc tài - cứng nhắc, mềm dẻo. Trong số đó, phương pháp mềm dẻo được đánh giá là tốt nhất. Trẻ được nuôi dạy theo phương pháp này thường linh hoạt trong quan hệ xã hội, có cái nhìn về bản thân một cách tích cực và đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống.
 

Môi trường học đường có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển nhiều kỹ năng của trẻ, trong đó đặc biệt là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong tương tác xã hội, kỹ năng điều khiển hành vi, kỹ năng hợp tác, tư duy toán học và khoa học. Nghiên cứu sự phát triển của 969 trẻ em tham gia chương trình giáo dục sớm Head Start năm 1988 ở Mỹ cho thấy các em tham gia chương trình có tiến bộ về kỹ năng xã hội và tư duy tốt hơn các em không theo học chương trình này. Đặc biệt chương trình Head Stard có hiệu quả lớn nhất cho các em xuất thân từ các gia đình có trạng thái kinh tế xã hội thấp. Trẻ em học mầm non theo chương trình High/Scope cũng cho thấy kết quả tương tự; các em đi học thì thành tựu đạt được về sau tốt hơn so với các em không đi học.
 

Các nghiên cứu về tác động của trường học cấp 1 lên học sinh cũng cho thấy các em đã hoàn thành học cấp 1 có năng lực sử dụng ngôn ngữ và sự tư duy tốt hơn nhiều so với các em không đi học cấp 1. Trường học giúp trẻ hình thành thói quen học tập, phát triển tư duy nhận thức, kỹ năng làm việc nhóm và hợp tác với người khác, kỹ năng tổ chức (tổ chức công việc, hoạt động của tổ nhóm, của lớp, trường). Sự tương tác với thầy cô, bạn bè, với các dụng cụ học tập tạo ảnh hưởng trộn lẫn và kích thích sự phát triển kỹ năng và thái độ của trẻ.
 

Hai yếu tố đặc biệt quan trọng ở trường học tác động lớn đến trẻ đó là thầy cô và bạn bè. Sự mong đợi, kỳ vọng và thái độ của thầy cô tác động mạnh trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Thầy cô tin vào trẻ, khuyến khích trẻ học tập và khám phá sẽ giúp trẻ tự tin, năng động và có thêm động lực để học tập. Ngược lại, nếu trẻ bị phân biệt đối xử, hay bị chê bai, trừng phạt trước mặt bạn bè thì trẻ dễ trở nên chán nản, mất tự tin và nhút nhát. Ảnh hưởng của thầy cô đặc biệt mạnh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, giảm dần khi trẻ lớn lên cấp 2 và cấp 3. Nghiên cứu tâm lý xã hội học cho thấy bạn bè cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bắt đầu ngay ở giai đoạn mầm non. Mối quan hệ với bạn bè giúp trẻ có nhiều cơ hội phát triển nhận thức về bản thân, học cách hợp tác, học cách tương trợ, cách hiệu chỉnh mối quan hệ giữa người với người. Các nghiên cứu cho thấy khi trẻ không có mối quan hệ tốt với bạn bè thì về sau thường gặp nhiều khó khăn trong quan hệ xã hội.
 

Môi trường hàng xóm (hay khu phố) mà trẻ lớn lên cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Sự ảnh hưởng có thể trực tiếp lên trẻ hay gián tiếp qua gia đình. Những nghiên cứu kéo dài qua nhiều thập kỷ cho thấy những khu phố tiến bộ, văn minh sẽ mang lại sự phát triển hài hòa hơn cho trẻ, trẻ khỏe mạnh hơn và có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Ngược lại, những khu phố kém chất lượng sẽ làm cho trẻ em phát triển không tối ưu và gặp nhiều rủi ro trong xã hội. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy khi các gia đình di chuyền chỗ ở từ nơi có khu phố nghèo sang khu phố khá giả hơn, thì trẻ em (của các gia đình di chuyển đó) khi lớn lên ít gặp các vấn đề xã hội so với những đứa trẻ không di chuyển mà ở lại phu phố nghèo. Những đặc tính của khu phố “kém chất lượng”ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển của trẻ là tội phạm cao, thất nghiệp nhiều, trình độ văn hóa thấp, nghèo, dân cư thưa thớt và không ổn định (di chuyển thường xuyên), không an toàn, thường xuyên đánh nhau, trộm cắp tài sản, không tuân thủ luật pháp. Những đặc tính này, làm cho trẻ khi lớn lên dễ bị nhiễm các thói hư như hút thuốc lá, chơi thuốc phiện, nghiện ngập cờ bạc, tội phạm thường xuyên, dễ bị tổn thương tâm lý, rối loạn tâm lý, học hành không tốt, ít thành đạt.
 

Môi trường hàng xóm cũng ảnh hưởng một cách gián tiếp đến trẻ em qua gia đình, đặc biệt là cha mẹ. Khi hàng xóm “kém chất lượng” thì dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống gia đình, không khí gia đình và do đó sẽ ảnh hưởng đến con cái.
 

Sự phát triển của trẻ bị ảnh hưởng một cách tổng hợp từ môi trường gia đình, trường học và hang xóm (khu phố). Các yếu tố tác động không riêng rẻ mà trộn lẫn, khó phân biệt được yếu tố nào mang tính quyết định. Do đó, cách làm trước mắt là tạo môi trường tốt nhất để cho trẻ tương tác mà đặc biệt chú ý đến môi trường gia đình và môi trường học đường. Trong gia đình, sự quan tâm và tương tác tích cực thường xuyên với trẻ sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện. Ngược lại sự ngược đãi, thờ ơ, hay thậm chí cho xem TV hay máy tính, điện thoại thường xuyên cũng làm chậm sự phát triển của trẻ, nghiêm trọng hơn có thể làm rối loạn sự phát triển tâm sinh lý và các kỹ năng. Ở trường học, thái độ tích cực của thầy cô giáo sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong học tập, tự tin giao tiếp và ham thích học tập. Sự tương tác thường xuyên của cha mẹ với thầy cô giáo cũng rất cần thiết để hợp tác cùng nhau nuôi dạy trẻ.
 

Tham khảo thêm ở đây

Erika Hoff. The Specificity of Environmental Influence: Socioeconomic Status AffectsEarly Vocabulary Development Via Maternal Speech. Child Development, September/October 2003, Volume 74, Number 5, Pages 1368–1378

Language gap between rich and poor children begins in infancy, Stanford psychologists find. Access https://news.stanford.edu/news/2013/september/toddler-language-gap-091213.html

Kathy Sylva. School Influences on Children's Development. J- Child Psychol. Psychiat. Vol. 35, No. 1, pp. 135-170, 199

National res council - Development During Middle Childhood _ the Years From Six to Twelve.-National Academies Press. Page 283-289

Kyoung Min Shin et al. Effects of Early Childhood Peer Relationships on Adolescent Mental Health: A 6- to 8-Year Follow-Up Study in South Korea. Psychiatry Investig 2016;13(4):383-388

Anita Minh et al. A review of neighborhood effects and early child development: How, where, and for whom, do neighborhoods matter? Health & Place 46 (2017) 155–174.

Anne Buu et al. Parent, Family, and Neighborhood Effects on the Development of Child Substance Use and Other Psychopathology From Preschool to the Start of Adulthood. Journal of studies on alcohol and drugs/July 2009.

Robert Manduca. Punishing and toxic neighborhood environments independently predict the intergenerational social mobility of black and white children. Access www.pnas.org/cgi/doi/10.1073/pnas.1820464116

Education and Teacher Training Agency. Family, Peer and School Influence on Children's Social Development.  Access http://dx.doi.org/10.5430/wje.v6n2p42.

Có thể bạn quan tâm
11 06 2023 Xem thêm
What problems worth solving?
Feynman wrote a letter to his former student explaining what problems worth solving: The worthwhile...
27 05 2023 Xem thêm
Làm R&D trong công nghiệp Hóa Học
Doanh nghiệp cần các kỹ sư và nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đó như tối ưu vận...
16 03 2023 Xem thêm
Các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công
Cần phải xác định đúng vấn đề và tìm một team phù hợp.
18 02 2023 Xem thêm
How to learn well English language?
Just speak as much as you can.
04 01 2023 Xem thêm
Cách định giá cổ phiếu trước khi mua
Lấy tổng tài sản (đã trừ nợ, trừ thuế) chia cho tổng số cổ phiếu.