Tin khác

Vui buồn nghề gia sư

17 08 2018 Tin khác
Nghỉ hè, nhiều phụ huynh thường cho con đi học hè tại các trung tâm hoặc mời gia sư đến nhà ôn tập cho con theo phương thức “một kèm một”. 

Nhìn chung, công việc gia sư đáp ứng nhu cầu của các phụ huynh và là cơ hội để các giáo viên, sinh viên làm thêm.

 Trò học - cô thuộc bài
Không đợi đến năm thi cuối cấp, bất kể con học lớp mấy, bậc học nào nhiều phụ huynh cũng cho con học thêm. Người có điều kiện kinh tế khá thì thường mời gia sư đến nhà để dạy kèm cho con. Tại TPHCM, các trung tâm giới thiệu gia sư mở ra như nấm mùa mưa. Để phụ huynh tin cậy, các trung tâm thường quảng cáo có đội ngũ giáo viên giỏi, đang là thầy cô các trường chuyên, lớp chọn. Trên mạng cũng có nhiều lời rao nhận đến nhà dạy kèm của các gia sư đang là sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên, nhiều lúc sự thật khá bất ngờ.

Bà Mỹ Hạnh (ở phường 19, quận Bình Thạnh) có con học lớp 7 Trường THCS Võ Trường Toản. Cuối năm học, họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm đưa sổ điểm cho bà Mỹ Hạnh và cho hay: “Con chị học rất sa sút. Các môn Toán, Văn, Anh văn, Lý… đều dưới điểm trung bình. Thậm chí có bài tập chỉ 2 điểm. Đề nghị chị quan tâm hơn đến việc học của cháu!”. Bà Mỹ Hạnh lo lắng nên đến một trung tâm gia sư ở chân cầu Thủ Thiêm, tìm người về nhà dạy kèm cho con. Chi phí 1,7 triệu đồng/tháng, cũng là phải chăng. Bà Mỹ Hạnh ký ngay hợp đồng, nhận một cô sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kinh tế TPHCM làm gia sư. Chiều hôm sau, một cô gái khá gầy gò, vẻ mặt của một người chịu thương chịu khó, cầm giấy giới thiệu của trung tâm gia sư đến nhà bắt đầu dạy cho con bà Mỹ Hạnh. 

Hơn 1 tháng trôi qua, con bà Mỹ Hạnh học rất khó khăn và than cô dạy khó tiếp thu. Bà Mỹ Hạnh bèn để ý cách dạy học của cô gia sư. Hơn 1 tiếng đồng hồ, bà chỉ nghe cô đọc bài mà chẳng nghe tiếng nào của con mình. Gần cuối giờ học, bà Mỹ Hạnh đẩy cửa phòng bước vào. Giờ học Toán mà chẳng thấy làm bài tập, xấp giấy nháp còn nguyên trên bàn. Thằng bé chân co, chân duỗi, ngồi dựa ngửa trên ghế trố mắt nhìn cô. Còn cô gia sư thì cầm cuốn sách Toán đọc vanh vách định lý. Bà Mỹ Hạnh phải nhắc: “Cô không dò bài và giảng cho cháu, chỉ đọc như vậy, sao biết cháu có hiểu không”. Qua tối hôm sau, giờ học Anh văn vẫn vậy, cô vẫn đọc bài một mình, không nghe một tiếng nào của học trò. Bà Mỹ Hạnh phải cho gia sư nghỉ. Gia sư là nghề phải học hành bài bản, có phương pháp, chứ không phải ai cũng làm được. Dù là dạy cho học trò trung học cơ sở, cũng không phải là việc đơn giản và dễ dàng. Dạy sao, giảng sao cho người khác hiểu là việc còn khó hơn tự mình học.

Không dễ làm gia sư

Như câu chuyện nêu trên, gia sư là công việc đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn nhất định. Song thực tế, có rất nhiều bạn sinh viên không theo học ngành sư phạm vẫn đi làm thêm nghề gia sư, do công việc này không nặng nhọc và có thể làm vào buổi tối ngoài giờ học. 

Bạn H.Trang (sinh viên năm thứ 3 Đại học Sài Gòn) cho biết: “Mình nghĩ đi làm thêm là việc cần thiết đối với sinh viên, vì vừa tích lũy kỹ năng sống vừa rèn luyện tính tự lập, có thu nhập để chủ động lo việc ăn học. Mình chọn nghề gia sư, do đây là công việc đúng với chuyên ngành đang theo học tại trường. Thông qua việc dạy kèm, mình có cơ hội ứng dụng những kiến thức tâm lý lứa tuổi được học ở trường”. Bạn N.N. Quỳnh (sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại thương TPHCM) đã có kinh nghiệm làm gia sư dạy kèm Anh văn, chia sẻ: “Bước đầu, cần bám sát chương trình ở trường của học trò. Đồng thời, tùy thuộc vào trình độ học trò mà có thể dạy nâng cao. Gia sư cũng cần có kỹ năng truyền đạt, giao tiếp và khả năng giải đáp thắc mắc, đặc biệt là truyền cảm hứng cho học trò”. 

Bạn T. Dương (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) tâm sự: “Nghề gia sư cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Thường thì mình dạy kèm cho học trò tiểu học, nhiều bé còn ham chơi, chưa học hành chăm chỉ và đôi lúc không chịu nghe lời. Do vậy, mình phải gắng giữ thái độ vui vẻ, ân cần nhắc nhở, nếu không vậy thì bé sẽ giận dỗi, bất hợp tác, không chịu học và không làm bài tập”. Bạn N. Minh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) chia sẻ: “Mình từng dạy kèm Văn cho một học trò lớp 7 mắc chứng tự kỷ nhẹ, khả năng về ngôn ngữ còn chậm. Mặc dù quá trình dạy kèm gặp nhiều trở ngại, nhưng mình đã tạo được sự tin tưởng và dần dần thân thiết hơn. Mình nghĩ, gia sư không đơn thuần là người dạy kèm, mà nên là người bạn tin cậy, sẻ chia của học trò, biết cách truyền cảm hứng, ước mơ, khát vọng cho trẻ”.
 
Có thể bạn quan tâm
15 08 2018 Xem thêm
Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN: Người lao động cần có kỹ năng gì?
Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, để có thể cạnh tranh với lao động các nước khác, lao động Việt Nam nhất...
15 08 2018 Xem thêm
Mỗi ngày vượt lên mình một tý
Nhiều người không với tới thành công, không phải do thành công quá xa vời, mà do họ chưa nhận ra bản...
14 03 2018 Xem thêm
Loài sên biển giống cừu có khả năng quang hợp
Hình ảnh đẹp mắt về loài sên biển mang tên cừu lá lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia Ajiex Dharma ở...