Tin tức

Cuộc đời nhọc nhằn của má

Viết bởi: Le Quoc Chon, 20 07 2021

Một chiều tháng ba khi nắng chưa gắt lắm, điện thoại reo. Màng hình chiếc Nokia cũ hiện số của anh trai, Út bấm nút và nghe. Anh nói “dề cua má ra răng mà bà ngụa núa má mệt ghê lắm”. Nghe vậy, Út dong thẳng về nhà trên chiếc xe máy cà tàng. Về đến nhà, không nói chi, ba kẹp má ở giữa trên xe, rồi Út chở ra bệnh viện gần nhất. Đến nơi, vào phòng cấp cứu, bác sĩ bảo “răng đưa ra trễ rứa em?” Chưa kịp trả lời, người ta đã đưa má lên xe cứu thương để chuyển viện. Lúc nằm trên cán, má quơ tay và nói với Út với giọng thều thào: “tiền của má, trong túi ố”. Út trả lời cộc lốc “biết rồi”. Từ đó, Út không còn nói chuyện được với má nữa vì hai hôm sau, cũng một cuộc điện thoại reo, đầu dây bên kia thông báo: “má mất rồi, xe chuẩn bị chở má về, Út chuẩn bị ở nhà đi”.
 

Má sinh ra trong gia đình một người lính Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc hạ sĩ, còn mẹ của má làm nghề trồng lúa, trồng rau, bắt ốc và nuôi heo. Ông bà nuôi năm đứa con, 4 gái một trai. Mấy chị em nheo nhóc lẽo đẽo theo bà ngoại mỗi khi làm vườn, có khi ra đồng bắt châu chấu. Thời gian còn lại là rong chơi trong làng bên cạnh những lũy tre và hàng chuối. Thi thoảng xuống mương bắt cá mặt nước, loài cá mà thường xuyên bơi trên mặt nước, chỉ cần dùng tay là bắt được dễ dàng. Má kể thời còn nhỏ, má thấy ông ngoại hay đánh bài. Có lúc ông đang đánh bài thì bị địch (cộng sản thời chiến) tìm kiếm, má làm tình báo, truyền tin cho ông ngoại và vậy là ông ngoại “thoát”. Không biết chuyện đó xảy ra mấy lần nhưng má kể nhiều lần lắm.
 

Má là người lớn nhưng chưa học hết lớp 5. Nhưng không phải vì vậy mà má ít chữ. Má thích và hay đọc báo. Truyện kiều, má thuộc lào lào. Đêm đêm, má hay đọc kiều. Những lúc đó, thấy má yêu đời và vui vẻ lắm. Má cũng thuộc vô số chuyện tếu, đặc biệt là truyện Trạng Quỳnh và Ba Giai Tú Xuất. Buổi tối, thời Út còn bé xíu, khi nhà chưa có điện, với cây đèn dầu, má kể hết chuyện cười này đến chuyện khác, cả nhà, mấy anh chị em cười lăn muốn đổ cả ruột.
 

Má làm nhiều nghề lắm. Má đã từng đi may. Nhưng rồi do chiến tranh nên má không theo học may mà về quê ở để tránh bom đạn. Do vậy, má theo nghề của bà ngoại làm nông. Má làm ruộng giỏi lắm. Người trong làng bảo, má mi, làm đầu tắt mặt tối, thả cái cày là gánh cái bừa. Má trồng cũng 5-7 sào ruộng, má trồng đậu xanh, rau lang, bắp, và má còn nuôi heo. Thời gian rỗi, má bắt ốc. Có những ngày ra tết, tháng giêng, cái lạnh còn đeo bám đến cóng cả người mà má đã lội dưới sông kiếm từng con ốc hút. Mỗi lon ốc (lon đong gạo), má bán 700 đồng. Có khi má còn um ốc rồi đem bán ở chợ. Lúc đó Út học cấp hai vì có một lần mấy đứa bạn rủ nhau đến chỗ má ăn ốc. Tụi nó vừa ăn vừa cười thật sảng khoái.
 

Không dừng lại đó, có lẽ cái nghề vất vả nhất mà má theo khá lâu cho đến lúc chết đó là nghề phụ hồ. Má khuân xi măng, gạch, cát, trộn hồ, rồi kéo xe rùa, má còn rửa bay, thướt cho thợ. Buổi trưa má làm nội trợ đi chợ nấu ăn cho cả đội. Tối về, trên chiếc xe đạp cũ, bỏ không ai lượm, má chở về từng bao cốt pha cũ để nấu cơm. Nhà má đâu có nhiều đất vườn, cây cối không có, má nấu cơm bằng rơm, củi tre và các loại lá cây khô tìm được bên ngoài. Những ngày hè, Út cùng với chị và anh trai đi khắp xóm làng, tìm hết bụi tre này đến bụi tre khác những cái nan tre khô, rồi xâu thành chùm hay bỏ vào xọt đêm về chụm. Nan tre cháy rất đượm, mà cháy nhanh lắm, cả giỏ nang tre chắc chỉ nấu được một nồi cơm đủ 4 người ăn.
 

Những lúc không có gì làm, thất nghiệp, má ngồi ở cửa hông nhìn ra đường hay nhìn bụi tre, không nói cũng không cười, chỉ nhìn, cái nhìn sầu lắm, buồn lắm. Những lúc đó má có hàng xóm đi qua, nói vài câu chào hỏi và cười, nụ cười của má không chứa niềm vui, chỉ là nỗi buồn thăm thẳm.
 

Có thời, khi em trai của Út còn nhỏ, 3-4 tuổi gì đó, má đi bán ở chợ, ngày đó nghe má nói vậy, má đi xa lắm, phải đi xe đò. Sáng sớm, má quẳng gánh ra chợ ở thôn, mua ít đồ rồi leo lên xe đò, tít ra ngoài đó, bán buôn gì rồi đến 1-2 giờ chiều má mới về. Út nhớ rõ lắm, tại vì lúc đó mỗi khi đi về là má hay mua bắp rang, vú sữa hay chè. Út giữ em, hai anh em chờ má về, thật ra em thì chờ má mà Út thì chờ cái khác, cái gì ăn được ấy. Thèm lắm và ngon lắm.
 

Má làm lụng vất vả mà không đủ nuôi con, thiếu thốn đủ thứ, nợ nần quanh năm. Trồng lúa thì nhiều mà toàn đi mua chịu gạo về ăn. Vì lúa không kịp lớn, trổ bông, chín để má bán. Nên má bán lúa non, lúc mà lúa chưa trổ đòng thì má đã bán. Lúc nhỏ, không biết chi, chỉ biết làm theo lời má, đi phơi lúa. Lúc đó, gần xóm có cái nhà kho cũ, bỏ hoang. Cứ mỗi khi đến mùa gặt lúa là cả làng trên xóm dưới xúm nhau lại đó phơi lúa, cũng vui lắm. Phơi lúa có cái cực đó là rất xót. Đặt biệt là khi trời nắng, chân đổ mồ hôi mà chạm vào lúa là thôi rồi, gãi đã đời. Đó là chưa kể chạy đua hốt lúa với ông trời. Đầu tiên, lúc đang nắng gắt, ông trời ầm ầm, giông báo mưa, thế là xúm nhau cào lúa. Cào đến đuối cả sức, lúc đó có cạn sức cũng phải cào, nếu không nước mà đổ xuống thì thôi, lúa ướt hết, công phơi bao lâu đều công cốc. Cào xong rồi đậy lại bằng nhiều lớp bạt ny lon, đè lên vài viên gạch vở để bạt khỏi bay bởi gió. Vậy là ổn, trút cái lo. Nhưng cũng có lúc, cào xong, trời không thấy động tỉnh gì nữa, ông ta nắng tiếp, nắng gay gắt. Thế là tiếc nắng, tiếc thì cắm đầu cắm cổ cào lúa ra phơi lại. Không gặp mưa coi như may mắn, còn nếu gặp mưa lúc mới cào ra thì chỉ biết kêu trời. Ai làm ruộng mà không phải phơi lúa, ai phơi lúa mà không thấy cái nhọc của phơi lúa. Út không nhớ đã phơi bao nhiêu lúa, bao nhiêu mùa, nhưng Út nhớ nhiều lắm chắc phải 5-7 năm gì đó. Lúc đó, dân mình trồng hai vụ lúa mỗi năm, tháng 3 và tháng 11.
 

Má mất, tối đó, đứa em út vẫn còn chơi game. Nó chơi và ở lại luôn nhà bạn. Út phải đi dò hỏi và tìm nó về. Út không thấy nó khóc, không biết nó có buồn không, nó mới vào lớp 10. Út không hỏi. Út chỉ khóc, khóc nhiều lắm. Những năm sau đó, mỗi lần nhắc đến má, là nước mắt tự đổ ra, một cách rất tự nhiên. Cái cảm giác khóc đó, rất thảm, rất buồn và rất xót xa.
 

Giờ nghĩ lại, nhớ má, nhớ những chuyện về má. Đời má sao thật vất vả. Lớn rồi, nghe người ta nói, giờ mới thấm. Thương má.

Có thể bạn quan tâm
11 06 2023 Xem thêm
What problems worth solving?
Feynman wrote a letter to his former student explaining what problems worth solving: The worthwhile...
27 05 2023 Xem thêm
Làm R&D trong công nghiệp Hóa Học
Doanh nghiệp cần các kỹ sư và nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đó như tối ưu vận...
16 03 2023 Xem thêm
Các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công
Cần phải xác định đúng vấn đề và tìm một team phù hợp.
18 02 2023 Xem thêm
How to learn well English language?
Just speak as much as you can.
04 01 2023 Xem thêm
Cách định giá cổ phiếu trước khi mua
Lấy tổng tài sản (đã trừ nợ, trừ thuế) chia cho tổng số cổ phiếu.