Tin tức

Giá trị của triết học

01 12 2018

Bertrand Russell (1827-1970) là một trong số những nhà triết học quan trọng nhất của thế kỷ thứ 20. Những công trình triết học của ông ấy hàm chứa mọi lĩnh vực của triết học, từ logic học cho đến triết học của toán học cho đến triết học về tôn giáo và đạo đức. Với mong muốn đưa triết lý của mình ra thế giới đã khiến ông ấy thành lập một trường phái triết học đặc biệt về giáo dục, và trở thành người đầu đàn ở Vương Quốc Anh trong phong trào Cấm bom nguyên tử (Ban the (atom) Bomb), và phát biểu ý kiến về các vấn đề đạo đức, chính trị mặc cho các nguy hiểm có thể đến với bản thân ông.
 

Trong bài này, từ phần cuối của tập sách đầy thông thái “Những vấn đề của triết học”, Russell luận rằng giá trị của triết học không nằm ở khả năng tạo giá trị vật chất (Philosophy bakes no bread) hay để khẳng định về bản chất của thực tế, nhưng nằm trong ảnh hưởng của triết học lên đời sống của những người coi trọng triết học một cách nghiêm túc. Qua những câu hỏi thường ngày về cuộc sống, chúng mở rộng sự hiểu biết của chúng ta và giải phóng tinh thần ta.
 

Vậy giá trị của triết học là gì và tại sao phải xem xét, nghiên cứu các giá trị này. Có vẻ như, dưới tác động của khoa học và các vấn đề thực tại của cuộc sống, ta có xu hướng cho rằng triết học không hơn không kém chỉ là các trò thảo luận vô bổ, mà ở đó chẳng mang lại tí kiến thức nào.
 

Cách nhìn này dường như bắt nguồn từ quan niệm sai lệch về cái chết (the ends of life), và một phần vì những suy nghĩ sai lệch về các lợi ích mà triết học đang cố gắng mang đến.  Khoa học tự nhiên (physical science), bằng các phát minh, mang lại lợi ích cho rất nhiều người, mà những người hưởng lợi ích này lại không hề hiểu biết gì về khoa học tự nhiên. Do đó, những nghiên cứu của khoa học tự nhiên được khuyến khích, không những vì những ảnh hưởng của nó lên chính sinh viên, mà còn vì những ảnh hưởng lên loài người nói chung. Nhưng lợi ích vật chất thì không thuộc về triết học. Nếu nghiên cứu triết học có ảnh hưởng nào đó lên những ai không phải là sinh viên học triết, thì đó là những ảnh hưởng gián tiếp lên lên cuộc sống của những người tìm hiểu nó. Chính điều này là thứ mà triết học hướng đến.
 

Quan trọng hơn, trên con đường tìm kiếm xác định giá trị của triết học, ta phải tránh những định kiến về khái niệm “người thực dụng” (practical men). Người thực dụng là người mà chỉ quan tâm đến các lợi ích vật chất, cho rằng con người cần thức ăn để nuôi cơ thể, nhưng lại thờ ơ với những “thức ăn cho trí tuệ” (food for the mind). Nếu tất cả chúng ta đều giàu có, nếu sự nghèo khó và bệnh tật được giảm đến mức tối thiểu, chúng ta vẫn còn rất nhiều điều phải làm để xây dựng một xã hội thịnh vượng và văn minh (valuable society). Thực ra, trong thế giới hiện tại, thức ăn cho trí tuệ cũng quan trọng không kém thức ăn cho cơ thể. Và giá trị của triết học được tìm thấy chủ yếu ở đây, đó chính là thức ăn cho trí tuệ. Và chỉ những ai quan tâm đến điều này thì mới coi việc nghiên cứu tìm hiểu triết học là cần thiết.
 

Triết học, cũng như các khoa học khác, hướng đến hiểu biết (kiến thức). Những hiểu biết mà triết học tìm kiếm là tạo ra sự thống nhất và có hệ thống cho toàn thể các khoa học, những hiểu biết được truy ra từ sự xem xét một cách nghiêm túc các niềm tin, những định kiến của chính chúng ta. Tuy vậy, phải nói rằng triết học, cho đến này vẫn chưa hoàn toàn tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà nó đặt ra. Nếu bạn hỏi những nhà toán học, nhà khoáng học, hay một nhà lịch sử học hay bất cứ nhà nghiên cứu nào về những sự thật (chân lý) mà ngành khoa học của anh ta đã tìm thấy một cách chắn chắn, anh ta sẽ nói cho bạn biết nhiều đến nỗi bạn không có thời gian để nghe. Nhưng nếu bạn đặt cùng câu hỏi đó cho một nhà triết học thì anh ta, một cách thành thật trả lời rằng triết học vẫn chưa đạt được những thành tựu tích cực tương tự như những khoa học khác. Điều này có thể lý giải một phần bởi vì khi một sự thật (bằng chứng nào đó) được tìm thấy một cách chắc chắn liên quan đến sự vật/hiện tượng nào đó, thì lĩnh vực nghiên cứu về sự vật/hiện tượng đó không còn là đối tượng của triết học nữa, mà sẽ trở thành một khoa học độc lập. Ví dụ như khoa học vũ trụ trước đây là một phần của triết học. Hay công trình vĩ đại của Newton được đặt tên là “những quy tắc toán học cơ bản của triết học tự nhiên” (the mathematical principles of natural philosophy). Tương tự như vậy là khoa học nhiên cứu về ý thức, trước đây thuộc về triết học nhưng nay đã tách biệt thành khoa học độc lập gọi là tâm lý học. Ở một mức độ rộng lớn, rõ ràng triết học mang tính không chắn chắn. Như vậy, những gì mà chúng ta đã tìm thấy những bằng chứng cho sự thật thì trở thành đối tượng của khoa học. Những gì còn lại, chưa được tìm thấy bằng chứng cho sự thật, là đối tượng của triết học.
 

Nhưng điều này chỉ đúng một phần liên quan đến sự không chắc chắn của triết học. Có rất nhiều câu hỏi, mà một vài trong số đó có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với đời sống tinh thần của chúng ta, sẽ khó có thể được giải quyết bởi con người. Ngoại trừ loài người có một khả năng phi thường nào đó mà ta chưa biết đến. Vũ trụ này có một mục đích nào đó hay không? Hay chúng chỉ là những di chuyển ngẫu nhiên của các nguyên tử? Ý thức là một phần thiết yếu của vũ trụ để tạo ra hi vọng cho sự thông thái, hay nó chỉ là một trạng thái chuyển tiếp trên một hành tinh bé nhỏ mà ở đó sự sống cuối cùng phải bị diệt vong? Tốt và xấu là quan trọng đối với vũ trụ hay chúng chỉ có giá trị đối với con người? Những câu hỏi đó được hỏi trong triết học và được trả lời theo các cách khác nhau bởi nhiều nhà triết học. Nhưng dường như chúng ta thấy rằng, dù những câu hỏi đó có thể được khám phá/trả lời bởi khoa học hay không thì, những câu trả lời đưa ra bởi triết học không có tính chân lý. Dù là vậy đi chăng nữa, triết học vẫn luôn cố gắng tìm kiếm câu trả lời. Và chức năng của triết học là nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của các câu hỏi đó, để chúng ta không tự giam mình trong những kiến thức có vẻ như chắc chắn.
 

Tất nhiên có một số nhà triết học cho rằng triết học có thể thiết lập chân lý/sự thật của một số câu trả lời đối với những câu hỏi cơ bản đó. Họ cho rằng điều quan trọng nhất trong niềm tin tôn giáo có thể được chứng minh một cách nghiêm ngặt để tìm đến sự thật. Để đánh giá những cố gắng đó, chúng ta cần nhìn lại sự hiểu biết của con người, các phương pháp mà con người đã dùng để tìm đến sự hiểu biết, và những hạn chế của sự hiểu biết đó. Qua đó chúng ta thấy rằng triết học không thể có câu trả lời cuối cùng. Và giá trị của triết học không nằm ở khả năng đưa ra câu trả lời cuối cùng của các nhà nghiên cứu triết học.
 

Thật ra, giá trị của triết học được tìm thấy trong chính sự không chắc chắn đó.  Một người sống trên đời mà không quan tâm đến triết học sẽ sống cuộc sống bị giam cầm trong các định kiến bắt nguồn từ các thói quen, tập tục của cộng đồng, xã hội của anh ta, những điều đã ghi vào não của anh ta từ nhỏ mà không có những lí do rõ ràng nào. Đối với một người như vậy, thế giới đối với anh ta là một thứ gì đó xác định, chắc chắn, không tạo ra một sự ngạc nhiên nào, và tất cả những khả năng mà anh ta không thường thấy sẽ bị bỏ ra ngoài. Chỉ khi nào ta bắt đầu triết lý, ta sẽ thấy rằng ngay cả các sự vật/hiện tượng thông thường hằng ngày ta cũng không thể hiểu/giải thích được một cách cặn kẽ. Mặc dù triết học không đưa ra câu trả lời cuối cùng chắc chắn cho vấn đề/câu hỏi đặt ra, nhưng sẽ mở rộng nhiều cơ hội/khả năng khác, đồng thời giúp trí não ta phát triển, tránh được sự độc đoán của phong tục/thói quen. Giúp ta tiếp tục tò mò, tự hỏi về mọi thứ xung quanh, đặt vấn đề/sự vật/hiên tượng vào các cách nhìn khác nhau, không bị giam cầm trong các giáo điều bảo thủ.
 

Ngoài việc mở ra các cơ hội, khả năng, khía cạch khác khi xem xét các sự vật/hiện tượng, giá trị quan trọng nhất của triết học chính là nằm ở chỗ giúp cho ta thoát khỏi các suy nghĩ hẹp xung quanh đời sống thường nhật. Vì đời sống của người bình thường (không quan tâm đến triết học) sẽ bị giam cầm trong các mối quan tâm riêng tư như gia đình và bạn bè, và họ quên đi thế giới bên ngoài to lớn trừ khi chúng có dính dáng đến các quan tâm riêng tư của họ. Cuộc sống như vậy có vẻ hơi hạn hẹp, và bị giới hạn. Khác với đời sống triết học, yên tĩnh và tự do. Cuộc sống tù túng trong các mối quan tâm thường nhật thì rất nhỏ bé, trong khi đó thế giới vũ trụ thì rộng lớn bao la. Cái bao la đó sớm hay muộn sẽ chôn vùi cái thế giới nhỏ bé riêng tư ấy. Trừ khi chúng ta tự mở rộng những quan tâm của chúng ta ra đến thế giới rộng lớn, cuộc đời ta sẽ như những chàng lính ra sức bảo vệ một cái pháo đài nhỏ bé chứa đầy khó khăn trong khi kẻ thù thì bao vay xung quanh, sớm hay muộn ta cũng phải đầu hàng. Một cuộc sống như vậy thì không thể có sự yên bình, và luôn phải đắn đo với những xung đột giữa các mong muốn (desire) và những bất lực. Bằng cách nào đó, ta phải tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc này để tìm đến tự do và sự hoàn mỹ.
 

Một cách để thoát khỏi sự tù túng đó là triết lý. Triết lý không chia thế giới ra hai phần đối lập nhau, như tốt với xấu, bạn với thù…mà xem mọi thứ trong cái tổng hòa không phiến diện. Triết lý không đi chứng minh rằng thế giới to lớn kia là thuộc về con người hay mang những tính cách của con người. Trong mọi sự tiếp thu kiến thức đều là sự tự làm lớn mình lên (enlarge the Self), nhưng cái lớn lên ấy không phải là tìm kiếm kiến thức một cách chủ quan. Mà có được nhờ mong muốn hiểu biết một cách thuần túy, và người tiếp thu không gán cho sự vật/hiện tượng những tính chất này kia mà phải tự hòa nhập cái tôi của mình vào bản chất sẵn có của cái sự vật/hiện tượng đó, tức là phải khách quan. Qua triết học, cái tôi được rộng mở, biên giới của cái tôi luôn lớn dần lên đến cái vô hạn của thế giới vũ trụ. Và nhờ vậy, trí tuệ cũng thông thoáng, rộng lớn như thế giới bao la đó.
 

Do đó, sự vĩ đại của tâm hồn (soul) không phải được bảo vệ bởi những triết lý cho rằng vũ trụ là thuộc về con người. Kiến thức (hay hiểu biết – knowledge) như là sự hòa lẫn giữa cái tôi (Self) và cái vô ngã (not-Self). Không bị ràng buộc, không phải cố dồn cả thế giới vũ trụ để hòa hợp với cái tôi. Con người rất nhỏ bé, thế giới vũ trụ tồn tại độc lập với suy nghĩ của con người. Do đó, những ai tin rằng thế giới tạo nên bởi suy nghĩ con người, những gì không từ suy nghĩ con người thì không thể biết là những người sợ hãi, sợ rằng những lời nói của họ không trở thành những điều luật. Những gì họ biết chỉ là những thói quen, những định kiến, những điều đó tạo ra một bức tường ngăn cách bản thân họ với thế giới.
 

Những người có cái nhìn triết học thì xem thế giới là có thể biết được, nhìn nhận thế giới với con mắt của chúa trời, khách quan và vô cảm với một mong muốn duy nhất – đó là lĩnh hội kiến thức, sự hiểu biết. Đó chính là sự tự do theo đuổi tri thức, không bị ràng buộc bởi các tập tục, thói quen, định kiến cá nhân, cộng đồng hay xã hội, quốc gia hay lãnh thổ, ngay cả con người. Với họ, con người chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé của thế giới, những gì một con người làm chẳng ảnh hưởng gì đối với thế giới. Họ chỉ theo đuổi sự thật và chân lý, khi hành động họ theo công bằng (justice), với tình cảm là bình đẳng, không phải yêu ghét vì lợi ích hay vì sự ngưỡng mộ. Như vậy, họ coi mình là công dân của vũ trụ chứ không không phải của một thành phố hay một quốc gia, hay của hành tinh này. Với cái nhìn như vậy, họ đạt đến sự tự do thật sự, thoát khỏi mọi sự sợ hãi và những hi vọng nhỏ bé.
 

Tóm lại, giá trị của triết học là ở chỗ nghiên cứu nó không phải để đi tìm một câu trả lời xác định cho câu hỏi mà triết học đặt ra, bởi vì không có câu trả lời nào là có thể khẳng định đúng chắc chắn. Nhưng nghiên cứu triết học chính là vì bản thân các câu hỏi. Nhờ các câu hỏi này làm cho ta lớn lên, các khái niệm rộng mở đến những gì có thể, làm giàu trí tưởng tượng và tránh bị giam cầm bởi các giáo điều bảo thủ. Hơn thế nữa, triết học giúp cho trí tuệ lớn lên, hòa nhập và bao trùm cả vũ trụ bao la và chính điều đó làm cho trí tuệ trở nên vĩ đại.

Lê Quốc Chơn dịch từ The value of philosophy_Bertrand Russell

Có thể bạn quan tâm
11 06 2023 Xem thêm
What problems worth solving?
Feynman wrote a letter to his former student explaining what problems worth solving: The worthwhile...
27 05 2023 Xem thêm
Làm R&D trong công nghiệp Hóa Học
Doanh nghiệp cần các kỹ sư và nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đó như tối ưu vận...
16 03 2023 Xem thêm
Các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công
Cần phải xác định đúng vấn đề và tìm một team phù hợp.
18 02 2023 Xem thêm
How to learn well English language?
Just speak as much as you can.
04 01 2023 Xem thêm
Cách định giá cổ phiếu trước khi mua
Lấy tổng tài sản (đã trừ nợ, trừ thuế) chia cho tổng số cổ phiếu.