Tin tức

Những điều cần biết trước khi mở quán cà phê

Viết bởi: Le Quoc Chon, 02 05 2022

Cách đây hơn 3 tháng tôi có gặp trao đổi với anh Trí – chủ một quán cà phê đã hoạt động 6 năm, lúc tôi gặp là lúc anh ấy nói muốn dừng lại và sang quán. Quán của anh ấy tầm 60 m2 tầng trệt và 60 m2 tầng 1. Doanh thu của quán tầm 1,5 đến 2 triệu mỗi ngày. Khách chính của quán là những anh chị làm văn phòng gần đó. Quán có nhân 4 viên phục vụ 2 ca, từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Anh ấy nói trước đây, doanh thu quán khá cao, tầm 3 triệu mỗi ngày, nhưng sau đợt dịch Covid thì doanh thu giảm, hơn nữa cũng vì một số quán mới mở bên cạnh, nên cạnh tranh nhiều và doanh thu giảm xuống.
 

Anh Trí còn nói muốn sang quán vì không còn niềm đam mê với kinh doanh này, nên muốn tìm người khác có nhiệt huyết để tiếp tục. Anh ấy sang với giá 200 triệu.
 

Vì anh Trí không còn làm cà phê nên tôi có hỏi anh ấy chia sẻ các kinh nghiệm kinh doanh cà phê cho người khác, anh ấy đã rất nhiệt tình và sau đây là các điều cần lưu ý khi kinh doanh cà phê:
 

Đầu tư quán cà phê cần vốn tầm 300 triệu cho đến hơn 1 tỉ, các quán lớn có thể lên đến vài tỉ đồng. Như vậy nếu thất bại có thể mất đến 60-70% số vốn này vì khi sang lại hay bán thanh lý sẽ giảm rất nhiều. Nên cần cẩn thận trong mọi giai đoạn:
 

Đầu tiên bạn cần chọn phân khúc khách hàng bạn muốn phục vụ: giới khá giả, dân văn phòng, sinh viên hay khách vãng lai, thanh niên địa phương. Bạn cần phân định rõ phân khúc khách hàng chính, vì nó quyết định đến địa điểm và kiểu dáng/phong cách quán của bạn.  
 

Tiếp theo là chọn đúng mặt bằng. Nếu chọn sai, khả năng thất bại sẽ rất cao. Ví dụ bạn muốn phục vụ khách văn phòng, quán cần đặt nơi có nhiều người làm văn phòng, có thể là công ty hay các cơ quan công sở. Nếu là sinh viên thì cần đặt nơi có nhiều sinh viên sinh sống, qua lại. Nếu là khách vãng lai thì bạn nên chọn vị trí thuận lợi để khách dễ thấy quán, tiện và giá hợp lý ví dụ nơi các bến xe khách, ga tàu. Một số chọn quán ở vị trí gần khách sạn nơi thường diễn ra các sự kiện tiệc cưới, hội nghị để đón các khách này. Có quán đặt ở vị trí gần khu chung cư có nhiều dân sinh sống và có các công ty làm việc ở đó. Tôi có biết một quán chỉ 30 m2 đặt ngay bên cạnh một chung cư, họ bán với doanh thu 3-4 triệu mỗi ngày. Chọn mặt bằng phải xem xét kỹ các yếu tố: khách hàng, dễ nhìn thấy, có bãi giữ xe, có view đẹp hay tạm ổn (phù hợp với khách).
 

Chọn mặt bằng cần xem xét môi trường cạnh tranh. Hiện tại có rất nhiều quán cà phê mở ra rồi đóng cửa, lý do là thị trường bị bão hoà. Nếu bạn chọn mặt bằng nơi thị trường đã bão hoà thì khả năng quán bạn có lãi để duy trì lâu là rất khó, và khả năng thu hồi vốn là rất thấp.

Khi mặt bằng phù hợp, bạn cần ký dài hạn, trên 5 năm là tốt nhất để bạn có thời gian gây dựng thương hiệu, có thời gian thu hồi vốn và lợi nhuận. Nếu ký hợp đồng ngắn hạn, bạn sẽ rất thiệt thòi nếu chủ nhà tăng giá hay lấy lại mặt bằng.

 

Tiếp theo là bạn cần tính chi phí đầu tư ban đầu cho hợp lý, bao gồm chi phí trang trí không gian, bàn ghế, máy móc pha cà phê, xay cà phê, máy sinh tố, máy quản lý bán hàng – in hoá đơn. Tuỳ quy mô và kiểu dáng, nhưng không dưới 200 triệu. Nếu bạn có thể chọn được mặt bằng tốt thì bạn có thể tiết kiệm được một khoản – như mặt bằng đã có nền, trần nhà sạch sẽ, tường đẹp, có cửa kính phù hợp…
 

Sau đó là bạn cần biết chính xác chi phí vận hành một quán cà phê: gồm mặt bằng (10-20 triệu/tháng), chi phí nhân viên (có thể đến 25% doanh thu), thuế phí (tầm 500 nghìn đồng đến 2 triệu mỗi tháng), điện nước và internet (tầm 1 đến 5 triệu mỗi tháng), chi phí nguyên vật liệu đầu vào gồm cà phê và các loại nước, trái cây trong pha chế (tầm 25% doanh thu).
 

Những con số này cho bạn biết tổng quan về hoạt động của một quán cà phê. Ví dụ như phí thuê mặt bằng nên dưới 20% doanh thu, nếu cao hơn khả năng có lãi rất thấp. Nếu bạn thuê mặt bằng 15 triệu mỗi tháng, thì doanh thu cần đạt tối thiểu 60 triệu mỗi tháng. Và tương ứng chi phí thuê nhân viên cũng không nên quá 20% doanh thu. Có như vậy khả năng tồn tại mới cao. Tránh trường hợp các bạn bỏ thời gian và công sức ra kinh doanh chỉ đủ để trả tiền mặt bằng mà không có khả năng thu hồi vốn và tạo thu nhập cho bản thân. Do đó, bạn cần tính toán chu đáo khả năng đạt doanh thu mục tiêu của mặt bằng, nếu mặt bằng đó khó đáp ứng doanh thu mục tiêu thì bạn nên cân nhắc tìm chỗ khác.
 

Đó là chưa nói đến cường độ làm việc khi bạn mở quán và vận hành. Nhiều người chủ quán nói với tôi họ làm việc trên 10 giờ mỗi ngày khi mở quán và không còn thời gian cho các hoạt động sống khác. Có thể nhu cầu mỗi người khác nhau, nhưng bạn nên cân nhắc liệu bạn có thể đảm đương việc này không: mở quán lúc 6h và làm việc liên tục cho đến khi kết thúc ngày làm việc, cứ như vậy 7 ngày mỗi tuần và 30 ngày mỗi tháng, hết tháng này qua tháng khác. Hãy tự hỏi bản thân, bạn có sẵn sàng như vậy không?
 

Tiếp theo là chọn nguyên liệu cà phê cho quán. Hiện tại có quán bán cà phê phin, có quán bán rang xay, có quán bán cả hai loại. Cà phê nguyên liệu hiện tại có rất nhiều loại, và nhiều mức giá. Tuỳ phân khúc khách hàng, tuỳ mục tiêu quán của bạn mà chọn loại phù hợp. Giá dao động từ 100 đến 250 nghìn/kg. Và mỗi kg cà phê bột, bạn có thể pha trên 40 ly.
 

Bạn cũng thử để ý xem thế mạnh cạnh tranh của quán bạn là gì và phục vụ ai. Cái này giúp bạn định hướng tốt hơn kế hoạch kinh doanh cà phê của bạn. Nhìn chung, kinh doanh cà phê không khó. Ai cũng có thể làm được nếu họ muốn và họ có đủ vốn ban đầu. Bởi vì nó khá dễ làm nên cũng khó thành công như mong đợi.
 

Chúc bạn thành công.

Có thể bạn quan tâm
11 06 2023 Xem thêm
What problems worth solving?
Feynman wrote a letter to his former student explaining what problems worth solving: The worthwhile...
27 05 2023 Xem thêm
Làm R&D trong công nghiệp Hóa Học
Doanh nghiệp cần các kỹ sư và nhà nghiên cứu giải quyết vấn đề của doanh nghiệp đó như tối ưu vận...
16 03 2023 Xem thêm
Các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công
Cần phải xác định đúng vấn đề và tìm một team phù hợp.
18 02 2023 Xem thêm
How to learn well English language?
Just speak as much as you can.
04 01 2023 Xem thêm
Cách định giá cổ phiếu trước khi mua
Lấy tổng tài sản (đã trừ nợ, trừ thuế) chia cho tổng số cổ phiếu.